Son môi đã xuất hiện lần đầu tiên từ những năm 3500 trước Công nguyên, được tạo ra nhờ sự kết hợp giữa đá đỏ nghiền vụn và chì trắng để làm đẹp cho Nữ hoàng. Đến ngày nay, son môi là sản phẩm làm đẹp đã “phủ sóng” trên toàn thế giới và không thể thiếu trong túi xách của mỗi chị em phụ nữ.

Vậy bạn đã biết son môi là gì, gồm có những thành phần nào chưa?

Những thông tin dưới đây của Blogsanpham có thể sẽ khiến bạn rất bất ngờ đấy! Hãy cùng mình khám phá tất tần tật những điều cần biết về son môi bạn nhé!

1. Son môi là gì?

  Son môi là mỹ phẩm có chứa sắc tố, dầu sáp, chất làm mềm da được dùng để tô điểm cho đôi môi và có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như dạng thỏi, dạng kem lì,…

2. Tác dụng của son môi

   Được biết đến như một vật “bất li thân” của các cô nàng. Son môi khiến cho chúng ta trở nên xinh đẹp, hấp dẫn, tự tin hơn đồng thời tạo cảm giác tươi tắn, tràn đầy sức sống cho đôi môi của bạn. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào các loại son khác nhau mà các cô nàng có thể linh hoạt sử dụng như một sản phẩm để tạo khối hoặc đánh mắt, má khi trang điểm.

3. Thành phần của son môi

   Son môi thường sẽ bao gồm các thành phần chính như: sáp, dầu, chất chống oxi hóa và các dưỡng chất cho môi. 

3.1. Sáp

   Sáp là thành phần tạo khuôn cho son đồng thời giúp tạo độ bóng, trơn và độ bám cho sản phẩm. Một số loại sáp tự nhiên được sử dụng phổ biến hiện nay là: sáp ong, sáp Carnauba (được lấy từ cây cọ Carnauba), sáp Candelila và sáp mỡ cừu. 

3.2. Dầu

   Một thành phần quan trọng nữa của son môi là dầu. Loại dầu được sử dụng phổ biến nhất là thầu dầu (Castor oil), dầu olive, dầu khoáng, dầu thực vật,.. ngoài ra còn có Lanolin và Coca butter. Dầu giúp làm mềm thỏi son hoặc làm mềm da môi sau khi bôi son, đồng thời tạo độ bóng căng mọng cho đôi môi. Ngoài ra, dầu còn có nhiệm vụ hòa tan những loại chất tạo màu trong son môi hoặc các chất hòa tan khác. Dầu và sáp là 2 yếu tố quan trọng, chiếm khoảng 60% – 65% trọng lượng của thỏi son. 

3.3. Chất tạo màu cho son

   Các chất tạo màu mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng đối với một thỏi son bởi nó quyết định màu sắc, vẻ đẹp của đôi môi sau khi thoa son. Chất tạo màu bao gồm bột màu và sơn dạng lỏng. Tùy vào màu sắc mong muốn của thỏi son mà người ta sẽ sử dụng các chất tạo màu với nguồn gốc khác nhau. Điển hình nhất là chất tạo màu cho son môi đỏ, còn gọi là Carminic Acid, có nguồn gốc từ một loại bọ cánh kiến đỏ sống trên cây xương rồng. Nó được điều chế bằng cách đun sôi loài côn trùng này trong dung dịch amoniac hoặc natri carbonat, sau đó thêm vào phèn (muối nhôm kali ngậm nước).

3.4. Các thành phần khác trong thỏi son

   Cồn được dùng làm chất dung môi giữa sáp và dầu trong son. Trong khi, các loại mùi hương nhân tạo dùng để che đi mùi hương của các thành phần chất hóa học. Các chất này được cho vào son để làm tăng hạn sử dụng và giúp ngăn chặn tình trạng son cũ và có mùi hôi.

Thành phần tạo hiệu ứng nhũ (Pearl Essence) được làm từ những lớp vảy lấp lánh của cá như cá trích. Ngoài ra còn có các thành phần có công dụng tương tự như silica và mica – đây đều là những thành phần giúp son môi có độ sáng lấp lánh sau khi đánh.

4. Cách lựa chọn son môi cho các “tín đồ”

4.1 – Son không chì

   Mặc dù là thành phần có hại nhưng có tác dụng giữ màu son và giúp son lâu trôi nên chì vẫn thường xuất hiện trong đa số các loại son môi và nằm trong mức cho phép (không vượt quá 20pmm, khoảng 20 miligram). Nếu lượng chì vượt quá mức cho phép sẽ rất có hại cho sức khỏe người sử dụng. Với những thương hiệu mỹ phẩm lớn, lượng chì trong một thỏi son được quy định rất nghiêm ngặt để không ảnh hưởng đến sức khỏe và làn da người sử dụng.

4.1.1 Kiểm tra son có chì một cách đơn giản

Bạn có thể tự kiểm tra xem son có chì hay không với một cách đơn giản. Hãy cho một chút son môi lên tay rồi dùng vàng chà xát. Nếu mẩu son chuyển sang màu đen thì đó là thỏi son có chì. Tuy nhiên với thí nghiệm này sẽ không đúng hoàn toàn, vì ngoài chì các thành phần như sáp, dầu, chất tạo màu, thành phần chống nắng cũng có phản ứng với vàng.

Để chứng minh điều này, đã có những cuộc thử nghiệm mà các nhà nghiên cứu chà 4 loại kim loại khác nhau (vàng, bạc, đồng, hợp kim thiếc) với sáp (là thành phần có nhiều trong mỹ phẩm) và hiện tượng vệt đen cũng xuất hiện. Nhưng để yên tâm, bạn cũng có thể dùng phương pháp này dựa vào kết quả vệt đen sẫm hay nhạt để quyết định sử dụng thỏi son đó.

Nếu chỉ hơi chuyển sang màu sẫm thì lượng chì ít, có thể chấp nhận được. Nhưng nếu vệt son sau khi cọ xát với vàng chuyển sang màu đen sẫm tức là hàm lượng chì trong son quá cao, sẽ rất có hại cho làn da của bạn. 

4.2 – Son dành cho học sinh

   Khi còn là học sinh, các bạn nên lựa chọn những thỏi son có màu sắc vừa phải, không quá đậm như đỏ tươi, đỏ đất… Thường thì việc lựa chọn son môi hướng về tone màu sáng như hồng, đỏ cam, cam đất sẽ mang đến sự trẻ trung, tươi tắn, phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh sử dụng.

4.3 – Son môi cho nam

   Hiện nay, việc làm đẹp ngày càng được mọi người quan tâm, chú trọng hơn. Do đó, nếu như ngày xưa quan niệm son môi chỉ dành cho phái đẹp thì hiện nay “cánh mày râu” cũng dành một sự quan tâm nhất định đến sản phẩm này. Khi lựa chọn son môi dành cho nam nên chọn các dòng son có chứa thành phần thiên nhiên như dầu dừa, chiết xuất nụ tầm xuân, tinh dầu hoa hồng,… để cung cấp dưỡng chất cho môi, hạn chế khô, nứt nẻ môi khi sử dụng. Tùy thuộc vào mục đích mà nam giới có thể lựa chọn các loại son môi có màu sắc khác nhau để không quá nổi bật và tạo cảm giác tự nhiên, thoải mái nhất khi sử dụng.

5 – Các loại son môi phổ biến

5.1 – Son Tint

   Son tint còn được gọi là son nước vì có kết cấu chất son lỏng, nhẹ như nước. Màu son thường chủ yếu là các gam màu sáng cơ bản như đỏ, cam, hồng. Đặc điểm nổi bật của son tint đó là khả năng bám màu cực tốt, bạn có thể thoải mái ăn uống hay rửa lại với nước mà không lo son bị trôi. Dòng son này thường được sử dụng để đánh lòng môi, tạo vẻ đẹp tự nhiên, tươi tắn cho đôi môi. 

5.2 – Son kem

   Son kem là một trong những dòng son môi có chất son ở dạng sệt lỏng, giống với kem nền. Son kem không được chiết thành dạng thỏi như son lì mà được đựng trong lọ giống với son nước. Khi sử dụng son rất dễ để tán đều màu và khả năng bám màu cực tốt khiến cho phái đẹp luôn “săn lùng” các sản phẩm này trên thị trường.

5.3 – Son bóng

   Đối với những cô nàng ưa thích phong cách quyến rũ, gợi cảm thì chắc chắn không thể bỏ qua các thỏi son bóng. Son bóng thường có cấu tạo dạng gel đi kèm với cọ tô để đạt được độ bóng cần thiết trên môi, chỉ một số ít có dạng tuýp. Kết cấu của dòng son môi này thường lỏng, nhẹ để có thể đạt được độ căng bóng khi lên môi.

Chính vì yếu tố này mà dẫn đến nhược điểm của son bóng là cảm giác dính nhớp trên môi sau khi tô son sẽ gây ra khó chịu nhất định, nhất là với người sử dụng lần đầu. Đồng thời khả năng bền và bám màu của son bóng sẽ tạo cảm giác môi mềm mại, căng bóng và tràn đầy sức sống.

5.4 – Son lì

   Son lì là loại son dạng thỏi, khi đánh lên môi sẽ cho màu sắc đậm, thường không bị phụ thuộc vào màu sắc ban đầu của môi. Khi sử dụng, son tạo cảm giác mềm mịn cho đôi môi chứ không quá khô như các dạng son kem. Do đó, các sản phẩm son lì rất thích hợp với các cô nàng sở hữu đôi môi dễ khô, nứt nẻ nhé!

5.5 – Son dưỡng

  Ngoài việc sở hữu một đôi môi đẹp, bạn cũng cần chăm sóc để có một đôi môi khỏe, tràn đầy sức sống. Da môi được biết đến là một trong những vùng da nhạy cảm nhất trên cơ thể do đó rất cần được chăm sóc tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Son dưỡng môi là loại son có chứa nhiều dưỡng chất, có màu hoặc không màu, dùng để dưỡng ẩm, làm dịu môi khô, vết nứt môi….

Thành phần của son dưỡng môi gồm các thành phần chiết xuất từ dầu thô, dầu hỏa (petrolatum, petroleum jelly, mineral oil); Shea butter; Cocoa butter. Son dưỡng thường chứa sáp ong hoặc sáp carnauba, long não, cetyl alcohol, lanolin, parafin cùng vài thành phần khác. Một số loại có chứa thuốc nhuộm, hương vị, mùi thơm, phenol, axit salicylic và chống nắng.

Việc sở hữu một thỏi son dưỡng chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc cải thiện tình trạng thiếu nước, sậm màu môi đấy nhé!

6 – Các hãng son môi nổi tiếng trên thế giới

6.1 – Son Hàn Quốc

   Với sự phát triển vượt bậc về công nghệ làm đẹp, son Hàn Quốc từ lâu đã có mặt tại Việt Nam và nhanh chóng trở thành xu hướng được rất nhiều chị em lựa chọn. Son môi Hàn Quốc ngày càng được ưa chuộng bởi sự đa dạng của chất son và màu sắc của son. Với mỗi thương hiệu, mỗi dòng son, bạn có thể dễ dàng lựa chọn được thỏi son môi phù hợp với mình. Một điểm cộng rất lớn của son Hàn Quốc đó là chất son mềm mịn và cực mướt khi tô. Ngoài ra son môi của Hàn thường chứa nhiều dưỡng chất, hạn chế gây khô và thâm môi khi sử dụng. Một số hãng son môi nổi tiếng của Hàn Quốc bạn có thể tham khảo như: son 3CE, Laneige, Amok, Peripera Ink, Black Rouge, BBIA.

6.2 – Son Nhật bản

   Từ trước tới nay, người Việt vẫn luôn tin tưởng về chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Nhật Bản từ dược phẩm, đồ dùng gia đình đến mỹ phẩm. Son Nhật không có nhiều màu, đa dạng như son Hàn Quốc song ưu điểm là lành tính với thành phần không chứa chì, dầu khoáng nên có tác dụng bảo vệ tối đa sức khỏe của người sử dụng. Nhật Bản nổi tiếng với các hãng son môi như: Shiseido Maquillage true rouge, Shu Uemura Tintk In Gelato, Kose.

6.3 – Son Pháp

   Nếu như bạn quan tâm đến các sản phẩm làm đẹp của Pháp, chắc chắn sẽ không khỏi “mê mẩn” trước những hãng son môi cực kỳ chất lượng đến từ quốc gia này! Tính đến thời điểm hiện tại, nước Pháp đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm son môi chất lượng. Một số hãng son nổi tiếng của Pháp bạn có thể tham khảo như: Maybeline, Mac, Lancome, Estee Lauder, L’Oreal, Bourjois…

6.4 – Son Nga

   Do đặc điểm khí hậu khô hanh ở Nga làn da sẽ luôn trong tình trạng khô, nẻ, thiếu nước, luôn cần phải dưỡng ẩm đặc biệt.  Với đặc thù thiên nhiên như vậy nên các loại son của Nga luôn hướng đến việc bảo vệ và chăm sóc đôi môi bạn ngay trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Cô nàng nào lo ngại môi sẽ khô nẻ khi sử dụng son thì hãy thử trải nghiệm ngay các sản phẩm son môi của Nga như: Golden Rose Longstay Liquid Matte Lipstick, Fennel, Maxfactor Clolour Elixir nhé!

6.5 – Son Đức

  Là người quan tâm đến mỹ phẩm Đức thì bạn sẽ phải ấn tượng bởi chất lượng của các sản phẩm làm đẹp ở quốc gia này. Son môi nói riêng và mỹ phẩm nói chung luôn được kiểm định, kiểm tra gắt gao tránh hàng nhái, hàng giả. Ở Đức sẽ không xuất hiện tình trạng bày bán mỹ phẩm fake vì đây là một việc làm vi phạm pháp luật. Do đó, bạn có thể yên tâm sở hữu các dòng son môi chất lượng của Đức nếu như: ArtDeco, Sans Soucis, Weleda,…

7 – Những màu son được ưa chuộng hiện nay

   Ngoài mẫu mã, thành phần và chất lượng của một thỏi son thì có lẽ màu sắc sẽ là một yếu tố vô cùng quan trọng được chị em cân nhắc khi mua. Nếu như trước kia, trong các bộ phim cổ trang, son môi thường sẽ chỉ có màu đỏ tươi thì ngày nay son còn có những tone màu trầm, màu nude cực kỳ đặc biệt và cuốn hút.

Tùy thuộc vào sở thích cũng như phong cách riêng, bạn có thể lựa chọn màu son phù hợp. Những màu son thuộc tone sáng như: hồng, đỏ tươi, đỏ cam,… sẽ phù hợp với cô nàng ưa thích sự trẻ trung, tươi tắn. Người có phong cách sang chảnh, quyến rũ thì những màu sắc như đỏ gạch, đỏ rượu chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời! Hoặc có thể sử dụng màu son độc đáo như nude, tím hay cam đất, nâu trầm với lớp makeup tỉ mỉ….

8 – Phân khúc các dòng son môi

8.1 – Theo giá

   Với thị trường “tràn ngập” sản phẩm làm đẹp như hiện nay, các “tín đồ” làm đẹp rất dễ bị “choáng ngợp” bởi những mẫu mã, kiểu dáng cũng như màu sắc của mỗi dòng son. Tuy nhiên, ai trong chúng ta khi mua sắm cũng luôn muốn hướng tới tiêu chí “rẻ mà chất lượng” đúng không nào? Nếu bạn muốn “săn” được các dòng son giá bình dân nhưng chất lượng lại vô cùng tuyệt vời thì đừng bỏ qua những gợi ý sau đây nhé!

8.1.1 Các dòng son môi giá “hạt dẻ” mà chất lượng

   Nếu bạn muốn lựa chọn cho mình một thỏi son có mức giá “hạt dẻ”, dao động từ 140.000 -350.000 VND thì hãy tham khảo các dòng son của một số thương hiệu như BBIA, Black Rouge, Peripera Ink, Merzy, 3CE,… nhé! Đa số các sản phẩm son giá bình dân này có xuất xứ từ Hàn Quốc, luôn phù hợp với xu thế làm đẹp trên thế giới nên chắc chắn bạn sẽ rất hài lòng về các em ý!

8.1.2 Các thương hiệu son môi cao cấp

   Từ xưa đến nay, dân ta đã luôn có quan niệm “tiền nào của nấy”, tức là số tiền mà chúng ta đầu tư cho một món đồ càng cao thì nó càng đem lại nhiều giá trị và công dụng. Với những cô nàng có “hầu bao” phóng khoáng, muốn thử trải nghiệm những dòng sản phẩm son môi cao cấp thì để mình “bật mí” một số thương hiệu nổi tiếng nhất hiện nay nhé! Một số thương hiệu có thể kể đến đó là: Christian Louboutin, Tom Ford, Bobbi Brown Luxe Lip Color, Dior Rouge, MAC,… Hãy lựa chọn những địa chỉ uy tín để mua được những thỏi son thật sự chất lượng, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang” nhé các nàng!

8.2 – Theo mức độ ưa chuộng

   Khi tác hại của các sản phẩm làm đẹp công nghiệp đang ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, người dùng bắt đầu quay về  các sản phẩm thiên thiên với tiêu chí “xanh – sạch – an toàn”.

Các sản phẩm son môi lành tính, có chiết xuất từ thiên nhiên ngày càng được các “tín đồ” làm đẹp ưa chuộng. Son môi thiên nhiên được làm ra với thành phần chính là các chất từ sáp ong, dầu dừa, dầu gấc, tinh chất nha đam,… Các thành phần này có tác dụng dưỡng ẩm, loại bỏ tình trạng môi sạm màu, nứt nẻ.

Trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều sản phẩm son tự nhiên được ưa chuộng như son Innisfree, Organic Miss Charming, Cỏ mềm Homelab, The Herbal Cup, ILIA,.. Không chỉ có thành phần lành tính, các sản phẩm son môi “xanh” này còn thường được thiết kế với bao bì bằng gỗ, giấy thay vì nhựa góp phần bảo vệ môi trường. Vừa làm đẹp lại có thể giảm thiểu rác thải nhựa thì tại sao lại không thử đúng không nào?

9. Tóm lại

 Hi vọng những chia sẻ của bài viết về son môi có thể giúp các bạn hiểu hơn và có những sự lựa chọn phù hợp với bản thân! Một thỏi son môi phù hợp chắc chắn sẽ là chiếc “chìa khóa vàng” mang đến sự tự tin cho bạn!

The post Tất tần tật những điều cần biết về son môi appeared first on Blog sản phẩm.



source https://blogsanpham.com/blog/nhung-dieu-can-biet-ve-son-moi/